Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử Xã Trà Don

Chi tiết tin

Thao thức với Ngọc Linh

Đêm 1-10 vừa qua, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh lần đầu tiên tổ chức ngay dưới chân núi Ngọc Linh, Nam Trà My, Quảng Nam, tôi gặp lại nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Ông là người con xứ Bắc, sống mái với Trà My, xứ Quảng, miền Trung từ ngày còn khói lửa chiến tranh với tư cách là một phóng viên chiến trường. Phiên chợ đêm sâm núi Ngọc Linh đã cho ông sống lại một thời.

Bên tách cà-phê sớm dưới chân núi Ngọc Linh tí tách từng giọt ký ức: “Tháng 10-1971, tôi ở Nóc Ông Đề, bên dòng Nước Nghêu thuộc xã Trà Ka, nay là xã Trà Cang. Tháng 10 năm nay, 2017, đúng 46 năm, tôi lại may mắn có mặt ở đây khi cùng đoàn nhà báo cao tuổi của Hội Nhà báo Quảng Nam lên dự đêm khai mạc phiên chợ như là duyên nợ, hay thiệt. Hồi ấy gian khó lắm, mấy ai để tâm tới sâm siết gì. Theo sử sách thì năm 1928, đoàn khảo nghiệm thực vật Đông Dương của Pháp từng lên Ngọc Linh để tìm “thuốc giấu”, ám chỉ sâm Ngọc Linh, nhưng dân làng không chỉ. Năm 1941, phát xít Nhật cũng đưa quân lên Ngọc Linh tìm sâm. Nhưng dân làng cũng không chịu chỉ. Đến năm 1971, đoàn Dược liệu của Ban Dân y Khu V đi tìm thì dân làng mới chỉ”. Một chút dĩ vãng hiện về với hiện tại, nhất là hiện tại về một Ngọc Linh đầy sức hấp dẫn sau nửa thế kỷ không còn tiếng súng đã khiến ông “Thao thức Ngọc Linh”, rồi nghĩ về “Vàng ở Ngọc Linh”. Đó là 2 bút ký – 2 tác phẩm mà ông dồn hết ruột gan của mình để có được vào những năm 80. Tháng 10-1988, ông viết “Vàng ở Ngọc Linh”, tháng 10 năm sau ông viết “Thao thức Ngọc Linh”. Lúc này tôi với ông cũng đã gặp nhau khi tôi là phóng viên đài truyền thanh H. Trà My (nay là Bắc Trà My). Hôm nay chúng tôi lại gặp nhau cũng ngay trên đất rừng Trà My.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm (trái) kể chuyện về sâm Ngọc Linh, ngày 2-10-2017 tại Nam Trà My.   Ảnh: H.T.P

Những con số 10 như là định mệnh vận vào ông với những bước ngoặt của cuộc đời ông. Trong “Thao thức Ngọc Linh” đã hơn một lần ông nhớ Ngọc Linh: “Anh Bốn Quảng đến với rừng Ngọc Linh khi tôi còn là một đứa trẻ lên ba. Hồi ấy anh là một cán bộ trong đội công tác vũ trang Quảng Nam, lên Ngọc Linh để chống phá âm mưu lập gum tề của thực dân Pháp đang từ Kon Tum tràn qua Nam Bắc Bền, hòng đánh thọc lưng xuống vùng đồng bằng tự do phía Bắc Liên khu V do Mặt trận Việt Minh chiếm giữ. Anh Sơn Ca đến với rừng Ngọc Linh khi tôi đã biết ngọn núi này nằm giữa địa giới của Quảng Nam và Kon Tum, cao tới 2.598 mét, đứng sau ngọn Phan Xi Păng (Lào Cai) và Pulaileng (Tây Nghệ An) -những ngọn núi cao nhất của Việt Nam- trong chương trình địa lý lớp bốn. Hồi ấy Mỹ-Diệm đang lê máy chém đi khắp miền Nam để hành quyết các “Việt Cộng nằm vùng”. Anh Sơn Ca từ vùng Đông Thăng Bình phải nhảy núi, búi tóc, đóng khố, nhuộm da, nhờ đồng bào các làng người Co, Cadong, Xơ Đăng nuôi nấng, che chở. Còn tôi có mặt ở Ngọc Linh với tư cách một phóng viên mặt trận khi đế quốc Mỹ đang dốc sức thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa”, “thay màu da trên xác chết” trong cuộc chiến tranh ở miền Nam. Mỗi chúng tôi lần đầu đặt chân tới cái xứ “Trà My có đi không về” ấy là cái thời còn trai trẻ, chưa vợ, chưa con, tràn trề nhiệt huyết, “quyết tử vì Tổ quốc”. Trong tâm khảm mỗi người, Ngọc Linh chỉ là một vùng đất kỷ niệm như bao vùng đất khác mà mình đã đi qua. Mãi mãi sẽ không bao giờ có dịp trở lại. Không ngờ hôm nay, sau gần nửa thế kỷ, gần một phần tư thế kỷ, chúng tôi lại ngược nguồn sông Tranh - dòng ngọn chính của sông Thu Bồn. Hôm nay lên lại Ngọc Linh, anh Bốn Quảng, anh Sơn Ca đã hơn  tuổi sáu mươi. Còn tôi cũng đã ngoại tứ tuần. Rất có thể, đây là lần cuối cùng của đời mình, chúng tôi trở lại với Ngọc Linh”.

Cứ tưởng là vậy, nhưng cuối cùng số phận của ông đâu dễ an bài khi mà trời đất vẫn còn ngó nghĩ đến ông, một con người luôn nặng nghĩa nặng tình với Trà My. Lần thứ hai ông không ngờ mình lại còn được về với Ngọc Linh giữa những tháng ngày xanh tươi nhất. Có mặt trong buổi ký kết truyền thông về sâm núi Ngọc Linh giữa H. Nam Trà My với Hội Nhà báo Quảng Nam, ông đề nghị nên có tài liệu song ngữ về cây sâm, về những hoạt động liên quan đến sâm để góp phần mạnh mẽ vào công tác truyền thông cho sâm. Ông nói thời kháng chiến ông  cũng đã từng biết và sống trong lòng sâm. Cây sâm đã đại thượng thọ hơn 200 năm, chính xác là 210 năm tuổi. Bao nhiêu đời sâm, hậu duệ của sâm sinh trưởng qua các thời kỳ, nối dòng nối dõi đến bây giờ. Cây sâm bao nhiêu tuổi là người Xơ Đăng bấy nhiêu năm gian khổ để bảo vệ giống sâm. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã từng mong ước cách đây bốn, năm mươi năm về một cuộc đời giàu có của người Xơ Đăng: “Nếu sau này đánh giặc xong, chúng ta phải nghiên cứu, nuôi trồng sâm Ngọc Linh theo quy mô lớn và khoa học. Rừng ở đây có khí hậu á ôn đới không chỉ lý tưởng đối với cây sâm mà nhiều dược liệu quý của vùng ôn đới có thể di thực đến. Mai sau chắc chắn Ngọc Linh sẽ là một vùng nuôi trồng dược liệu quý, chắc chắn dân ở đây sẽ giàu có...”. Giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Đó là “Vàng của Ngọc Linh”. Chỉ mong một điều giấc mơ ấy, vàng ấy phải là của người Xơ Đăng. Hiện thực ấy phải là của người Xơ Đăng. Không thể là của người khác!

Tác giả: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Nguồn tin: http://cadn.com.vn


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ DON - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Don - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)