Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát bản đồ vùng dược liệu tại Huyện Nam Trà My
Đặc biệt ngày 5/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg công nhận sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam là sản phẩm quốc gia, cùng với phê duyệt Đề án phát triển 19.000 ha vùng sâm Ngọc Linh.
Xác định cây sâm Ngọc linh là cây chủ lực để nhân dân thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế. Huyện đã đầu tư, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng sâm ra 7 xã vùng quy hoạch.
Tính từ năm 2016 đến nay, tốc độ phát triển trồng sâm Ngọc linh (sâm Việt Nam) tăng khoảng 900% với diện tích đã trồng trên 2.000ha, tại 53 chốt hơn 1.200 hộ tham gia. Hằng năm từ các vườn trồng sâm đã cho ra hạt giống đạt khoảng 1 triệu hạt.
Đã thành lập Trung tâm sâm Ngọc Linh, Trại giống sâm Ngọc Linh với diện tích 100ha nhằm bảo tồn nguồn gen gốc, công tác đảm bảo an ninh sâm và việc phòng, ngừa dịch bệnh trên cây Sâm Ngọc Linh được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Cùng với nỗ lực mở rộng diện tích, phát triển nguồn giống thì Nam Trà My còn chú trọng đến công tác quảng bá, thương mại để nâng tầm giá trị cho sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.
Qua khảo sát từ các phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng và hoạt động giao thương trong nhân dân, mỗi tháng từ Nam Trà My đã cung ứng ra thị trường hơn 70kg sâm củ tươi, hoạt động thương mại sâm trong nhân dân mỗi tháng cũng chiếm hơn 100kg với giá bình quân từ 55 triệu đến 230 triệu đồng/1kg.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hình thành hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm như Trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống sâm Ngọc Linh, mật ong sâm Ngọc Linh, rượu diệp linh sâm, dung dịch uống sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh...
Đặc biệt là một số tổng công ty, tập đoàn lớn như đã hứng thú với giá trị thương mại sâm Ngọc Linh nên đang xây dựng chiến lược phát triển rất mạnh. Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự phát triển sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp và người dân địa phương, sản lượng sâm hàng năm có thể lên đến 10 tấn, tương đương với giá trị là 420 – 600 tỷ đồng/năm.
Đến năm 2030, sản lượng dự kiến đạt khoảng 30 tấn để tạo ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm cung ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đối với các loài cây dược liệu thì huyện Nam Trà My chú trọng vận động nhân dân trồng cây dược liệu bản địa cho giá trị kinh tế cao. Riêng cây quế Trà My toàn huyện trồng mới được 2.597ha, nâng tổng diện tích quế hiện có lên trên 3.600ha, mỗi năm cung ứng hơn 1 tấn quế vỏ ra thị trường.
Hiện tại huyện đã thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế đặt tại xã Trà Dơn nên nguồn nguyên liệu cành, lá, thân quế cũng được tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân. Để cho những vườn quế, rừng quế được phát triển thì Nam Trà My đã vận động nhân dân phát triển cây sắn xen canh với quế theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.
Bình quân mỗi ha sắn cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm nên sẽ giúp bà con đảm bảo sinh kế rất thích thú trồng quế. Vụ sắn cuối năm 2021, tại xã Trà Vân có nhiều hộ gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng. Số tiền này bà con tái mở rộng rẫy sắn và mua thêm giống quế gốc Trà My để xen canh.
Đối với các loài dược liệu đặc hữu như Sâm nam, giảo cổ lam, đương quy, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây, khổ qua rừng ... đang được bà con sống dưới sườn núi Ngọc Linh phát triển chuyên canh theo quy mô lớn với tổng diện tích đạt hơn 1.000ha.
Điển hình như mô hình trồng Sâm nam tập trung của bà con tại thôn 1 Trà Linh, thôn 3 Trà Cang, Trà Nam cho doanh thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng/hộ, mô hình trồng Thất diệp nhất hoa tại Trà Nam cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm...
Để từng bước giúp người dân nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thì huyện Nam Trà My cũng khuyến khích đăng ký sản phẩm OCOP. Đến nay toàn huyện đã có 14 sản phẩm OCOPđược công nhận 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao cùng với 6 sản phẩm đang đề nghị công nhận, đa phần là về sản xuất, chế biến dược liệu, nông sản. Trên địa bàn huyện đã có một Công ty cổ phần đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp Trà Mai - Trà Don nhà máy chế biến Nông sản và dược liệu tại chỗ với vốn điều lệ 20 tỷ đồng nhằm thu mua sản phẩm tại chỗ cho nhân dân.
Phát huy những kết quả bước đầu đạt được, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển mạnh cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh, làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tận dụng lợi thế đặc thù về khí hậu, thổ những, Nam Trà My đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hình thành vùng trọng điểm sản xuất dược liệu của quốc gia. Trong đó, Sâm Ngọc Linh sẽ là cây tiên phong và cùng với quế, sâm nam, giảo cổ lam, đương quy, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây, khổ qua rừng... tạo nên sự đa dạng về vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm.
Mục tiêu cụ thể: Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh. Mỗi năm phát triển từ 200.000 đến 300.000 cây giống sâm Ngọc Linh; gieo ươm, trồng mới quế Trà My đạt 1.500 ha/năm (tương đương 03 triệu cây/năm), đến năm 2025 tổng diện tích trồng đạt 10.000 ha; trồng các loại cây dược liệu đạt trên 50ha/năm.
Mục tiêu đến năm 2030: Là tập trung tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững. Đặc biệt là dựa trên việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh.
Xây dựng được Vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu trọng điểm của quốc gia, nhằm bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cung cấp nguyên liệu, phát triển thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, qua đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương lân cận, tạo động lực hình thành các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, phấn đấu xây dựng Nam Trà My thành vùng dược liệu trọng điểm của cả nước.
Để thực hiện được mục tiêu trên cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như sau.Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu dược liệu Nam Trà My.
Thứ nhất:
Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX về phát triển dược liệu sâu rộng đến các tầng lớp nhân làm cho nhân dân thay đổi nhận thức, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng phát triển cây trồng dược liệu tăng thu nhập.
Thực hiện quy hoạch 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) kết hợp với quy hoạch phát triển các loài cây dược liệu. Tăng cường giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng rừng để phát triển dược liệu một cách có hiệu quả.
Cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất thu hút cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ cho sản phẩm từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến dược liệu tại chỗ, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt chính sách phát triển trồng rừng gắn với các loại cây dược liệu Sâm Ngọc Linh, quế Trà My, đảng sâm, giảo cổ lam. Liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển cây dược liệu.
Thứ hai:
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất giống chuyên sâu phục vụ cho công tác dược liệu từ khâu điều tra, nghiên cứu, quản lý tài nguyên môi trường, ươm trồng đến khai thác, chế biến, sử dụng. Nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về dược liệu để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên dược liệu.
Sử dụng nhiều phương thức sản xuất giống khác nhau: gieo ươm từ hạt, nhân giống vô tính (giâm hom, nuôi cấy mô tế bào) để sản xuất giống đảm bảo chất lượng và đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển. Nâng cấp xây dựng các vườn ươm tiêu chuẩn trên địa bàn huyện. Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại cho nông dân, cho chủ vườn, chủ trang trại. Chú trọng khâu chế biến, chế biến sâu các sản phẩm dược liệu, tạo ra các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở địa phương để tham gia chương trình mỗi xã, một sản phẩm (chương trình OCOP).
Thứ ba:
Về huy động nguồn lực ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa để xây dựng mô hình thí điểm chuỗi cung ứng các sản phẩm dược liệu an toàn. Ưu tiên cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ như quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, quỹ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cây dược liệu. Quan tâm hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp trẻ ở nông thôn.
Tăng cường ngân sách đầu tư của Nhà nước cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; huy động các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, vốn vay, vốn tự có của các doanh nghiệp, chủ rừng; tranh thủ các nguồn tài trợ thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ ngành lâm nghiệp; sử dụng hợp lý nguồn vốn theo các chương trình, dự án. Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trồng cây lâu năm và trồng xen canh các loài cây dược liệu như: đinh lăng, thảo quả, giảo cổ lam, đẳng sâm, lan kim tuyến.
Các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể huyện cần thực hiện tốt việc hướng dẫn hỗ trợ, giải quyết kịp thời các nguồn vốn cho các hộ gia đình, nhóm hộ phát triển kinh tế. Đồng thời, vận động, huy động nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng kế hoạch chi tiết về phát triển các sản phẩm chủ lực; xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng dược liệu. Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, quy mô cánh đồng lớn đối với cây trồng; quy hoạch các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô tập trung. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn VietGap, đặc biệt là công nghệ sinh học, vi sinh, giống mới, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến giúp tăng năng suất cây trồng, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn chất lượng dược liệu. Đầu tư mạnh vào khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến để đảm bảo nguồn hoạt chất của sản phẩm.
Tăng cường chuyển giao kỹ thuật các mô hình trồng cây dược liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên rừng; tổ chức hội thảo, hội nghị cấp cơ sở với sự tham gia của người sản xuất, nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý, nhằm xác định cơ cấu loài cây trồng chủ lực, các mô hình sử dụng đất ưu tiên đối với từng xã, thôn, làng, phù hợp với lợi thế từng vùng.
Tập trung nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn, sản xuất giống cây dược liệu chất lượng cao quy mô công nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống nước tưới, tiêu đảm bảo cho cây trồng phát triển ổn định, giao thông đi lại thuận lợi. Nghiên cứu di thực mở rộng vùng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu bền vững; chú trọng công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thứ Năm:
Chú trọng công tác xúc tiến thương mại và thị trường, tiến hành rà soát và xây dựng các trung tâm, điểm bán các sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện trong đó ưu tiên tại Phiên chợ Sâm và hàng nông sản hàng tháng, các điểm du lịch, khu vực đông dân cư, thuận tiện về giao thông, thương mại nhằm đưa các sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng. Đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi phân phối sản phẩm dược liệu có uy tín. Kết nối với các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh du lịch vùng sâm để quảng bá thương hiệu.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu các loại dược liệu đặc sản như Sâm Ngọc Linh, quế Trà My, Đảng sâm, Chè dây, Giảo cổ lam… Đồng thời, thực hiện việc gắn chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm này. Xây dựng kênh phản hồi thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ để từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý, lập hồ sơ đăng kí thương hiệu, bảo hộ độc quyền trong và ngoài nước; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực bảo tồn và phát triển cây dược liệu; xây dựng ý thức bảo vệ, phát triển các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với ý thức bảo vệ rừng tự nhiên. Tăng cường công tác quảng cáo, quảng bá bằng nhiều hình thức như: xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm tại các đầu mối giao lưu xã, trung tâm huyện trong và ngoài tỉnh. Tham gia hội chợ, triễn lãm trong và ngoài nước.
Tăng cường hợp tác đa phương và song phương với nước ngoài, tổ chức quốc tế đã và đang có chính sách hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam về duy trì đa dạng sinh học. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế, nhất là với các nước quan tâm đến dược liệu Việt Nam để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, khoa học, tài chính và thu hút đầu tư nhằm phát triển nhanh, mạnh và bền vững khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu và ngành công nghiệp dược của nước ta.
Mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư phát triển dược liệu, sản phẩm chiết suất từ dược hướng tới xuất khẩu một số nguyên liệu và thuốc từ dược liệu, trở thành nơi cung cấp dược liệu sạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Với sự hỗ trợ của các bộ ngành từ Trung ương đến tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà sự chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác của người dân, vùng dược liệu trọng điểm Nam Trà My chắc chắn sẽ nhanh chóng hình thành một cách mạnh mẽ trong thời gian không xa nữa. Những vườn sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, vườn dược liệu quý sẽ góp phần nâng tầm sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp cho nhân loại toàn cầu.