Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử Xã Trà Don

Chi tiết tin

Chính phủ họp không giấy tờ, giảm 30% thời gian các phiên họp

Chính phủ nêu gương áp dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (đề án e-Cabinet) với mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ.

Phiên họp đầu tiên của Tổ công tác giúp việc cho Thủ tướng (Chủ tịch UB quốc gia về Chính phủ điện tử) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng chủ trì ngày 19/10 đã thảo luận về dự thảo đề án e-Cabinet.

Đây là hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

Chính phủ họp không giấy tờ, giảm 30% thời gian các phiên họp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

"Các cơ quan của Chính phủ phải nêu gương làm trước sẽ tạo động lực để các cấp chính quyền địa phương triển khai", Bộ trưởng nhấn mạnh. Đây cũng là hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử. 

Mỗi phiên họp phải in, chụp hàng nghìn trang giấy

Điểm lại thực tế họp hành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo Quy chế làm việc của Chính phủ, các phiên họp của Chính phủ gồm các phiên họp thường kỳ, bất thường và chuyên đề. Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần; họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng hoặc theo yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch nước.

Còn họp chuyên đề theo quyết định của Thủ tướng trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ. Mỗi năm, trung bình Chính phủ họp khoảng 12-14 phiên, với khoảng 150 nội dung. Các phiên họp thảo luận, cho ý kiến, quyết định tập thể các vấn đề về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách... cần phải có ý kiến của Chính phủ trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Thời gian mỗi phiên họp Chính phủ còn dài (thông thường là 1 ngày, nhiều phiên kéo dài 1,5 - 2 ngày). Tài liệu phục vụ vẫn chủ yếu là tài liệu giấy, số lượng lớn, trung bình mỗi phiên họp phải in, chụp hàng nghìn trang giấy, gây tốn kém thời gian, kinh phí, nhân lực và khó khăn trong việc vận chuyển, phân phát, quản lý, thu hồi sau phiên họp.

Mặt khác, nhiều bộ, cơ quan chủ trì đề án gửi tài liệu họp chậm thường sát phiên họp nên các thành viên Chính phủ có rất ít thời gian nghiên cứu trước. Các bộ, cơ quan chủ trì đề án thường trình bày lại báo cáo làm kéo dài thời gian các phiên họp.

Phương thức làm việc là thảo luận và quyết nghị tại phiên họp, Chính phủ còn xử lý công việc thông qua việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, kèm theo toàn bộ hồ sơ đề án, dự án, dự thảo văn bản.

Sau đó, thành viên Chính phủ trả lời phiếu lấy ý kiến và gửi lại VPCP để tổng hợp và phối hợp với cơ quan chủ trì đề án tiếp thu, giải trình ý kiến trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Năm 2017, VPCP đã gửi 169 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ.

"Việc gửi phiếu lấy ý kiến giúp giải quyết kịp thời công việc nhưng vẫn thực hiện bằng giấy, tốn kém về in chụp và vận chuyển. Thời gian gửi, nhận qua đường công văn chậm, ít nhất là 1-2 ngày", Chủ nhiệm VPCP nêu bất cập.

Ngoài ra, việc phối hợp xử lý trong từng bộ, dẫn đến thời gian trả lời có lúc chậm so với quy định 5-7 ngày. Hơn nữa với phương thức xử lý công việc trên giấy như hiện nay, khi thành viên Chính phủ đi công tác, vắng mặt tại cơ quan thì không thể xử lý được.

Năm 2019, giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ

VPCP đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản trị hành chính công và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại các quốc gia thành công, có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của LHQ như Malaysia, Estonia, Pháp, Hàn Quốc.

VPCP đã khẩn trương xây dựng đề án e-Cabinnet phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng với mục tiêu là đến hết năm 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ.

Đồng thời giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).

Theo dự thảo, các thành viên Chính phủ cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp. Đến hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng (trừ nội dung bí mật nhà nước)…

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: http://vietnamnet.vn


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ DON - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Don - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)