Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử Xã Trà Don

Chi tiết tin

Khi chính quyền cùng NHCSXH vào cuộc: Nhiều huyện miền núi Quảng Nam đã giàu lên

Trong những năm gần đây, tại 9 huyện miền núi và 2 huyện trung du tỉnh Quảng Nam, kinh tế vườn (KTV), kinh tế trang trại (KTTT) là hướng đi chính trong việc phát triển nền kinh tế hàng hóa, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

 

Anh Hồ Văn Lượng xã Trà Linh đang chăm sóc vườn sâm

 

Cùng với các cấp, các ngành chức năng của tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã tích cực làm tốt công tác xã hội hóa các mặt hoạt động trên địa bàn, phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác đẩy mạnh cho vay phát triển kinh tế ở miền núi, trong đó ưu tiên tập trung nguồn vốn để cho vay phát triển KTV, KTTT. Đến nay tại 9 huyện miền núi và 2 huyện trung du trên địa bàn tỉnh có tổng dư nợ 1.347 tỷ đồng với 12 chương trình tín dụng.

Gian nan đưa vốn lên vùng cao

Cách đây gần 10 năm, tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam đã có một câu chuyện rất thật mà như đùa. Đó là chuyện đồng bào vùng cao vay vốn Nhà nước về giắt trên mái nhà đến hạn đem trả hết lại cho ngân hàng. Câu chuyện ấy bây giờ đã thành quá khứ, bởi hiện tại, với nguồn vốn vay ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã phát triển được những mô hình KTV có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trên con đường lên khu vực biên giới vừa mới được đầu tư xây dựng, theo chân cán bộ tín dụng phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Giang chúng tôi đến xã Chờ Um, đây là một trong những xã nghèo nhất của huyện, trao đổi với chúng tôi ông A Lăng Réo - Phó chủ tịch UBND xã cho biết, những năm trước ở vùng đất biên giới này, cái đói, cái nghèo đeo bám không dứt, đồng bào chịu khó nhưng lại thiếu vốn sản xuất, cộng với tập quán sản xuất độc canh cây lúa nên chỉ biết trông vào “vận may của trời”. Mọi sự đã thay đổi khi cán bộ tín dụng NHCSXH huyện đến giải thích, vận động bà con vay vốn làm ăn. Ban đầu dân sợ vay vốn vì nhận tiền về chẳng biết làm gì, nhưng rồi nghe cán bộ ngân hàng cùng chính quyền địa phương, ban khuyến nông lâm xã, hội đoàn thể chỉ cách sử dụng vốn vay nuôi lợn, nuôi trâu bò, trồng cây mở trang trại họ cũng hiểu ra. Từ chỗ chỉ có vài ba hộ đến nay phần lớn các hộ có điều kiện đều vay vốn sản xuất.

Cán bộ tín dụng huyện Phước Sơn đi giải ngân vốn ở vùng cao

 

Cũng như các huyện miền núi khác, tại huyện Tây Giang, muốn cho bà con vay vốn, cán bộ ngân hàng phải phối hợp với các ngành đi vận động, hướng dẫn từ việc thiết lập hồ sơ vay vốn đến việc sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả… Mỗi lần đi giải ngân là một chuyến công tác dài ngày. Anh em cán bộ tín dụng phải cõng tiền đi bộ, lội suối trèo đèo rất vất vả để vào điểm giao dịch trước một ngày. Tối anh em phải ngủ tại Đồn biên phòng mới đảm bảo an toàn để ngày mai kịp cho dân vay vốn.

Tâm sự với chúng tôi, ông Võ Văn Lũy - Phó giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Giang cho biết: Để đưa được nguồn vốn ưu đãi đến được với đông bào thực sự rất gian khó, trình độ của tổ, hội ủy thác cũng rất hạn chế, trong khi nhiều bà con còn chưa nói thạo tiếng phổ thông nên phải hướng dẫn tập huấn thường xuyên theo kiểu cầm tay chỉ việc và phải kiên trì bám địa bàn để bà con tin tưởng làm theo. Gian khổ là vậy nhưng khi nguồn vốn đầu tư của ngân hàng giúp bà con làm ăn hiệu quả, thoát nghèo thì chúng tôi đã có thêm nghị lực và niềm tin để gắn bó với công việc của mình.

Giải pháp đồng bộ và hiệu quả mang lại

Cùng với nguồn vốn đầu tư của ngân hàng những năm qua chính quyền địa phương các cấp cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Đơn cử tại huyện miền núi Tiên Phước, UBND huyện đã triển khai các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ về đất đai thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân; hỗ trợ lãi suất tiền vay; xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất tập trung, chuyên canh có ứng dụng công nghệ tiên tiến; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thì sự vào cuộc của NHCSXH đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo được vay vốn, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đem lại hiệu quả và mang tính bền vững cao, điển hình như mô hình trồng cây thanh trà của ông Cao Văn Thanh ở xã Tiên Hiệp chỉ với 1ha đất vườn đã có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà thả vườn, kết hợp trồng bưởi, chuối, nuôi cá, thỏ của ông Phạm Trọng Vinh ở thôn 6 xã Tiên An chỉ với diện tích trên 2ha, hàng năm có doanh thu trên 1 tỷ đồng...

Còn tại huyện vùng trung du Hiệp Đức, được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/ha, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư... nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để trồng cây cao su tiểu điền. Đến nay ở địa phương này đã có nhiều trang trại cho mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình nhờ có nguồn thu nhập này đã thoát nghèo một cách bền vững. Trên đỉnh núi cao Ngọc Linh của huyện nghèo Nam Trà My nhờ phát triển KTV, KTTT mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo có thu nhập khá, điều mà bao đời nay không ai dám nghĩ tới. Điển hình là hộ ông Hồ Văn Lượng, ông Hồ Văn Du thôn 2 xã Trà Linh, ông Hồ Văn Bằng thôn 3 đã có thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng từ việc bán sâm giống và sâm thương phẩm. Không chỉ làm giàu cho mình, họ còn tạo điều kiện cho các hộ thiếu giống, thiếu kinh nghiệm tham gia vào phát triển kinh tế bằng cây sâm Ngọc Linh (một dược phẩm nổi tiếng của Quảng Nam, có giá trị cao hơn cả sâm Cao ly của Hàn Quốc).

Từ nguồn vốn vay ưu đãi và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng, đến nay KTV, KTTT của tỉnh Quảng Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, diện tích cải tạo vườn tạp là 10.361ha; có 1.299 trang trại với diện tích 10.922ha. Nhiều mô hình KTV, KTTT mang lại hiệu quả cao, các nguồn lực được huy động, đất đai được sử dụng có hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phát triển

Có thể khẳng định chương trình đầu tư cho phát triển KTV, KTTT trong những năm qua trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam là hướng đi đúng và đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… song vẫn còn đó những khó khăn cần khắc phục.

Hiện hầu hết KTV, KTTT còn ở quy mô nhỏ lẻ, chua phát triển theo quy hoạch, chưa đồng đều giữa các vùng; công tác giao đất, cấp đất còn chậm, nguồn vốn đầu tư dàn trải, ngoài nguồn vốn cho vay của NHCSXH thì các TCTD khác chưa “mặn mà” đầu tư cho khu vực này; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh thiếu ổn định; kết cấu hạ tầng ở khu vực miền núi còn yếu kém ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm ở cơ sở còn yếu về chuyên môn, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình còn hạn chế.

Vì vậy Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách phát triển KTV, KTTT một cách đồng bộ, trong đó chú trọng các cơ chế hỗ trợ như ưu đãi tín dụng; đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; hỗ trợ tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại để tăng cường tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản... Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn miền núi để người dân có cơ hội liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tập trung công tác quy hoạch vùng phát triển KTV, KTTT với cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, hiệu quả phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của từng vùng; xây dựng các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra được sản phẩm hàng hóa tập trung; tiếp tục đẩy mạnh công tác giao khoán và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ hộ KTV, KTTT để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Việc đầu tư tín dụng cho miền núi hiện nay chủ yếu vẫn do NHCSXH đảm nhận. Vì vậy NHNN cần tăng cường chỉ đạo hệ thống các NHTM cùng vào cuộc để đầu tư vốn cho phát triển miền núi, tăng nguồn vốn đầu tư cho vay trung dài hạn; nâng hạn mức cho vay của NHCSXH đối với kinh tế hộ.

Nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp trên, tin rằng KTV, KTTT trên địa bàn ngày càng phát triển và hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững vùng dân tộc, miền núi của tỉnh./.

Tác giả: (Bài và ảnh) Lê Lam

Nguồn tin: Trang online NH CSXH Việt Nam - www.vbsp.org.vn


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ DON - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Don - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)